3 lí do tại sao bạn không nhớ được từ vựng lâu?

Làm sao để học từ vựng một cách hiệu quả luôn luôn là câu hỏi đau đầu đối với rất nhiều học viên. Bài viết sau đây sẽ giải thích cho các bạn tại sao các bạn không nhớ được từ vựng lâu và cách học từ vựng hiệu quả nhất nhé! 

Câu hỏi mình nhận được thường xuyên từ học sinh là: tại sao em/anh/chị không thể nhớ được từ vựng? Học trước quên sau?

Trước hết, chúng mình hãy cùng đi tìm lí do nhé! 

  1. The Brain Needs 17 Repetitions - Bộ não cần 17 lần lặp lại 

Theo nghiên cứu, để có thể nhớ được từ vựng, bộ não của chúng ta cần 17 lần lặp lại. Như vậy, nếu chúng ta đọc đi đọc lại 1 từ 17 lần thì chúng ta có thể nhớ được không? Câu trả lời là không.

Khi tiếp xúc 1 từ hoàn toàn mới, bạn cần lặp lại cách tiếp cận từ đó 17 lần khác nhau, hay còn gọi là “exposure”. Ví dụ, lần đầu tiên bạn nhìn thấy một từ mới là qua 1 bài đọc, đây được gọi là “1st exposure” – lần tiếp cận đầu tiên. Sau đó, bạn tra từ này trong từ điển để tìm hiểu nghĩa bằng cách đọc định nghĩa, cách dùng từ này trong câu để hiểu tường tận về nghĩa. Đây được xem là “2nd exposure” – cách tiếp cận thứ 2. Sau khi đã hiểu được nghĩa rồi, bạn tập đặt câu với từ này bằng cách viết 3-5 câu có chứa từ này để hiểu hơn về cách dùng trong ngữ cảnh cụ thể. Đây là 3rd exposure – cách tiếp cận thứ 4. Cứ thế, bạn có thể chọn nhiều cách tiếp cận khác nhau như tra cách phiên âm của từ, ghi âm, tìm từ đồng nghĩa, từ trái nghĩa, tìm nguồn gốc, word-family từ từ này, chơi một số game chứa từ này, sử dụng flashcards, đọc một số đoạn hội thoại hay xem video có chứa từ này để hiểu về ngữ cảnh từ này được dùng,…

Mỗi cách bạn tiếp cận một từ mới sẽ làm cho não ghi nhớ được lâu hơn và dần dần sẽ trở thành từ của bạn. Điều quan trọng là bạn nên kiểm tra từ mới sau 1 tuần rồi 1 tháng để “thử thách” bộ não của mình để xem bạn cần bao nhiêu “exposure” nữa để có thể ghi nhớ được.

  1. Bạn học từ mới bằng cách đọc thuộc

Như mình đã nói ở trong mục 1, bạn cần thử nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với 1 từ mới. Lí do các bạn hay quên là do các bạn muốn học quá nhiều từ 1 lúc nên cách phổ biến các bạn học sinh của mình hay làm đấy là viết ra rồi đọc thuộc. Việc này sẽ làm cho bạn nhớ từ không được lâu và sẽ gây ra việc bị nhớ nhầm những từ giống na ná nhau . Ví dụ như hôm kia mình và học sinh nói về việc xăm môi và xăm mày, học sinh bảo là ở công ty có chị bạn xăm môi sau đó môi bị sưng, chị dùng từ “swallow”. Ở đây, học sinh của mình nhớ nhầm từ “swallow” thành từ “swollen”. Lí do là cả 2 từ này đều có 2 âm tiết và đều có tổ hợp âm cluster “sw” và phụ âm “l”.

Từ swollen là động từ phân từ 2 của từ “swell”. Nếu bạn học từ này từ từ “swell” thì sẽ không bị nhầm

Swell => Swelled => Swollen

Còn động từ “swallow” có nghĩa là “nuốt”, là động từ hoàn toàn khác, không liên quan đến từ kia.

Tóm lại, để bạn có thể nhớ từ một cách từng tận thì bạn nên tìm hiểu kĩ về nguồn gốc cũng như cách dùng của từ.

 

  1. Bạn chưa tìm được cách học hiệu quả nhất cho bản thân mình

Ông cha ta đã có câu: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Mình tin chắc là các bạn đã có khi nghĩ: tại sao có cách học bạn mình bảo hay lắm nhưng mình học mãi không vào. Thực tế là, trước tiên bạn phải hiểu bạn thuộc loại người học nào. Có 3 learners khác nhau như sau:

  1. Visual learner – Bạn học tốt qua hình ảnh
  2. Auditory learner – Bạn học tốt qua việc nghe
  3. Tactile-Kinesthetic learner – Bạn học tốt qua việc vận động, di chuyển

 

Để xem bạn thuộc loại learner nào, bạn có thể làm bài test nho nhỏ tại đây.

Kết quả bài test sẽ chỉ ra cho bạn các cách học hiệu quả cho chính bản thân bạn.

- Nếu bạn được điểm cao nhất ở nhóm A, thì bạn thuộc nhóm người học Visual learner – Bạn học tốt qua hình ảnh. Đối với các học viên này, đây là một số cách để bạn có thể học từ vựng nói riêng cũng như học tiếng Anh nói chung:

  • Đọc qua bài trước khi học ở trên lớp 
  • Trong lớp, nhớ ghi chép bài đầy đủ 
  • Sau khi về nhà, ôn lại bài bằng cách đọc lại vở và sách nhiều lần 
  • Nhắm mắt lại và hình dung những gì bạn cần nhớ 
  • Nghiên cứu các biểu đồ, bảng biểu 
  • Sắp xếp, tô đậm, tô màu vào số ghi chép cũng như các tài liệu học tập 

- Nếu điểm cao nhất của bạn vào nhóm B, thì bạn thuộc loại người học Auditory Learner - Bạn học tốt qua việc nghe. Dưới đây là một số lời khuyên cho bạn nhé! 

  • Phải tham gia các buổi học trên lớp nhiều nhất có thể 
  • Ghi âm lại bài giảng và nghe lại ở nhà 
  • Tự đọc to 
  • Nghe các bài hát, giai điệu bạn thích để học từ

- Nếu điểm cao nhất của bạn vào nhóm C, thì bạn thuộc loại người học Tactile-Kinesthetic learner – Bạn học tốt qua việc vận động, di chuyển. Đối với những người học thuộc loại này, để ghi nhớ từ vựng lâu và học tiếng Anh hiệu quả, bạn nên:

  • Ghi chép và vẽ biểu đồ từ mới hoặc nội dung nào đó 
  • Cố gắng vận dụng những gì bạn đã học vào thực tế. Ví dụ: khi học từ vựng, bạn nên đọc đi đọc lại và tập đặt câu với từ bạn đã học. Việc này sẽ giúp bạn hiểu được nghĩa của từ cũng như biết cách dùng từ đúng 
  • Tập làm nhiều bài tập và làm lại những câu bị sai 

Đây là lí do tại sao mà mình luôn luôn quan sát học viên để nhận biết cũng như đưa những cách tiếp cận phù hợp nhất để học viên có thể tiếp thu được nhanh nhất. Vì thế nên đối với học sinh của mình là những anh chị giảng viên, cách là mình áp dụng hiệu quả nhất là phân tích loại từ, kết hợp vào ngữ cảnh vì anh chị là Auditory learner, những người sẽ học hiệu quả nhất qua việc nghe giảng. Còn đối với các em học sinh là sinh viên thì mình lại chọn áp dụng trò chơi vận động để các em hứng thú hơn.

 

Một cách học từ vựng mình đã áp dụng hầu như tất cả các học sinh của mình đó là học từ vựng theo chủ đề. Đây là một phương pháp giúp cho bạn học được cùng lúc rất nhiều từ vựng nhé! 

 

Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn tìm ra phương pháp học từ vựng hiệu quả nhất cho bản thân mình!